1. The Birth of Venus (Sự ra đời của thần Vệ Nữ)
Tác giả: Sandro Botticelli (Italy)
Năm hoàn thành: 1486
Sandro Botticelli là một họa sĩ thiên tài người
Italy vào thời kỳ tiền Phục Hưng. The Birth of Venus là tác phẩm vĩ đại nhất của
ông và được coi như là một biểu tượng của “Chân - Thiện - Mỹ”. Trong thần thoại
Hy Lạp, thần Vệ Nữ được sinh ra từ bọt biển, là con của Chúa tể bầu trời - thần
Uranus. Sự ra đời của thần Vệ Nữ trở thành một đề tài lớn trong hội họa, trong
đó có những bức tranh rất nổi tiếng của Cabanel, Bouguereau hay Amaury Duval.
Tuy vậy, bức
tranh của Botticelli vẫn được công nhận rộng rãi là tác phẩm hoàn hảo và kinh
điển nhất. Trong tranh, thần Vệ Nữ được miêu tả có mái tóc mây vàng rực rỡ, làn
da trắng muốt, gương mặt thánh thiện và làn môi mọng. Vệ Nữ có cơ thể tròn trịa,
đầy đặn, tràn đầy sức sống, tượng trưng cho sự sinh sôi, tình yêu, hoan lạc và
sắc đẹp.
2. Mona Lisa (Nàng Mona Lisa)
Tác giả: Leonardo da Vinci (Italy)
Năm hoàn thành: khoảng 1503 – 1506
Leonardo da Vinci là một thiên tài toàn năng người
Italy: một họa sĩ, kiến trúc sư kiệt xuất, một nhạc sĩ, một kỹ sư siêu việt, một
nhà khoa học đi trước thời đại… Mona Lisa, không nghi ngờ gì, là tác phẩm hội họa
nổi tiếng nhất thế giới, được coi như chuẩn mực của cái đẹp.
Bức họa thể
hiện một người đàn bà đầy đặn, trông có vẻ phúc hậu đang đan tay vào nhau, khóe
miệng khẽ giãn ra một nụ cười hư ảo. Hậu thế đã cố gắng phân tích bí ẩn trong nụ
cười của nàng Mona Lisa: nàng đang cười hay không cười, nụ cười đó có ý nghĩa
gì, làm sao da Vinci có thể tạo nên một nụ cười như vậy… nhưng chưa bao giờ đưa
ra được câu trả lời thỏa mãn. Đã có hàng loạt giả thuyết, huyền thoại xung
quanh nguyên mẫu của bức tranh.
Người ta
tranh cãi nguyên mẫu của bức tranh là mẹ của họa sĩ, một gái điếm, vợ của một
thương gia giàu có, người tình đồng giới của ông hoặc là chính Leonardo da
Vinci. Đáp lại sự tò mò của hậu thế, Mona Lisa vẫn mãi mãi mỉm cười bí ẩn, như
thể luôn muốn nói một điều gì mà chẳng bao giờ nói.
3. Sleeping Venus (Vệ Nữ say ngủ)
Tác giả: Giorgione (Italy)
Năm hoàn thành: 1510
Giorgione là một bậc thầy hội họa của phong trào Phục
Hưng. Cuộc đời của ông ngắn ngủi, để lại không nhiều tác phẩm và trong số đó,
Sleeping Venus là bức tranh nổi tiếng nhất. Khi Giorgione mất, bức Sleeping
Venus vẫn còn dang dở và Titian, một danh họa vĩ đại khác, cũng là bạn của ông
đã hoàn thành bức tranh bằng cách vẽ thêm phong cảnh và bầu trời.
Sleeping
Venus vẽ một phụ nữ nằm nghiêng, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, mặt khẽ quay về
hướng người xem, tay phải làm gối, tay trái đặt hờ lên cơ thể, chân trái duỗi đặt
trên chân phải hơi co lại – một kiểu bố cục kinh điển mà rất nhiều tác phẩm hội
họa về sau đã học theo. Thiên nhiên đằng sau nàng cũng có những đường cong tinh
tế như họa lại cơ thể của người đàn bà, tôn vinh sự hòa hợp giữa con người và
thiên nhiên. Việc vẽ một người phụ nữ khỏa thân đánh dấu một cuộc cách mạng
trong nghệ thuật và được coi là một trong những điểm khởi đầu của mỹ thuật hiện
đại.
4. Girl with a Pearl Earring (Thiếu nữ đeo hoa tai
ngọc trai)
Tác giả: Johannes Vermeer (Hà Lan)
Năm hoàn thành: khoảng năm 1665
Johannes
Vermeer là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời đại Hoàng kim Hà Lan.
Sinh thời, ông vẽ rất chậm và để lại rất ít tranh, phần lớn tranh của ông lấy đề
tài những người phụ nữ của tầng lớp bình dân. Girl with a Pearl Earring là một
trong những kiệt tác để đời của ông, được mệnh danh là “Mona Lisa Hà Lan” hoặc
“Mona Lisa phương Bắc”.
Bức tranh
mô tả một thiếu nữ nhìn nghiêng, khăn đội đầu che hết mái tóc, đồ trang sức duy
nhất là một bên hoa tai bằng ngọc trai. Thiếu nữ trong tranh có đôi mắt tròn
to, lộ vẻ rụt rè, sợ hãi nhưng làn môi mọng lại hé mở, khơi gợi ham muốn. Bức
tranh vừa thể hiện sự ngây thơ mong manh, vừa phảng phất một sự cám dỗ gọi mời.
Ánh sáng phản chiếu trên hoa tai ngọc trai là một điểm nhấn hoàn hảo của tác phẩm.
Năm 1999, Tracy Chevalier đã viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng cùng
tên với cảm hứng dựa trên bức tranh này.
5. Whistler’s Mother (Mẹ của Whistler)
Tác giả: James McNeil Whistler (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1871
Whistler là
một họa sĩ nổi tiếng gốc Mỹ, một trong những chủ soái của phong trào “nghệ thuật
vị nghệ thuật”. Whistler’s Mother là bức tranh nổi tiếng nhất của ông, được coi
là biểu tượng Mỹ và “Mona Lisa của thời Victoria”.
Tương truyền,
Whistler đã định vẽ một người khác nhưng bất thành và ông liền thay thế người mẫu
bằng chính mẹ ông, bà Anna Whistler. Cũng có tin đồn, đầu tiên bà Whistler được
vẽ đứng nhưng sau đó vì quá mỏi chân, bà phải ngồi trên ghế.
Trong
tranh, bà mặc một bộ váy màu đen giản dị, ngồi gọn gàng, tay đặt trên váy, chân
đặt trên chiếc ghế để chân, nhìn chăm chú về phía trước. Nét mặt nghiêm trang
và tông màu đen xám của bức tranh gợi một cảm giác ngột ngạt và tang tóc như thể
một điều gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay bức tranh được
rộng rãi công nhận như là một biểu tượng mẫu mực của tình mẹ.
6. Portrait of an Unknown Woman (Người đàn bà xa lạ)
Tác giả: Ivan Nikolaevich Kramskoi (Nga)
Năm hoàn thành: 1883
Kramskoi là
một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, chủ soái của phong trào nghệ
thuật dân chủ Nga. Portrait of an Unknown Woman được coi là một kiệt tác của nền
hội họa Nga và từ lâu đã rất quen thuộc với công chúng Việt Nam với tên gọi Người
đàn bà xa lạ.
Bức tranh vẽ
một người phụ nữ ngồi trên xe ngựa mui trần vào buổi sáng mùa đông ảm đạm, tuyết
phủ trắng xóa mái nhà. Người phụ nữ trong tranh quý phái và kiêu hãnh với đầu
ngẩng cao, môi mím chặt nghiêm nghị, ánh mắt nhìn xuống uể oải.
Cho đến
nay, nguyên mẫu của bức họa vẫn là một điều bí ẩn với rất nhiều phỏng đoán chưa
được chứng minh. Bức tranh thường được ví với Anna Karenina trong kiệt tác cùng
tên của đại văn hào Leo Tolstoy và đã nhiều lần được dùng để minh họa cho trang
bìa của cuốn sách. Bức tranh được đánh giá là thể hiện tính cách Nga rõ rệt và
là một biểu tượng của sự đài các, thượng lưu.
7. Madame X (Quý bà X)
Tác giả: John Singer Sargent (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1884
John Singer
Sargent là một họa sĩ vẽ tranh chân dung hàng đầu thế kỷ 19. Madame X là bức
tranh nổi tiếng và có lẽ là tai tiếng nhất của ông.
Người phụ nữ
trong tranh là Virginie Gautreau, vợ của một ông chủ nhà băng giàu có người
Pháp. Sinh thời, bà rất nổi tiếng trong giới thượng lưu Paris vì sắc đẹp ưu việt
của mình. Bức chân dung vẽ bà trong bộ váy màu đen cúp ngực, tay phải làm trụ
khẽ đỡ lấy cơ thể, tay khác bấu hờ vạt váy và gương mặt quay đi hướng khác. Màu
đen bóng của bộ váy cùng tông màu nâu của hậu cảnh như tương phản và càng làm nổi
bật thêm làn da trắng nhức.
Cơ thể người
mẫu như hướng về phía người họa sĩ nhưng đầu lại quay sang một bên, vẻ lảng
tránh, tạo cảm giác xung đột, vừa muốn tiến đến vừa muốn cưỡng lại. Bức tranh bị
coi là khêu gợi, không đứng đắn và trở thành một "quả bom" scandal thời
bấy giờ. Bà Gautreau từ đó không xuất hiện trước công chúng nữa còn họa sĩ
Sargent thì nhanh chóng rời khỏi Pháp, định cư lâu dài ở London.
8. Flaming June (Tháng Sáu bỏng cháy)
Tác giả: Nam tước Frederic Leighton (Anh)
Năm hoàn thành: 1895
Nam tước
Frederic Leighton là một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh. Flaming
June là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông và được coi là một kiệt tác của hội họa
thế giới.
Nguyên mẫu
trong tranh là nữ diễn viên Dorothy Dene, người được đánh giá là có gương mặt
và hình thể giống với hình mẫu lý tưởng của Leighton nhất. Dorothy Dene vào những
năm 1890 cũng được mệnh danh là người đẹp nhất nước Anh. Bức tranh khắc họa cô
đang nằm ngủ trong một tư thế thiếu tự nhiên tựa như đó chỉ là một giấc ngủ ngắn
mệt nhọc.
Tác phẩm đẫm
chìm trong màu hổ phách hoàn hảo và cảnh dòng sông ở hậu cảnh gần như sáng trắng
dưới ánh nắng mặt trời tháng sáu. Bộ váy mỏng manh trong suốt thể hiện những đường
cong tinh tế của người phụ nữ. Cây trúc đào bên góc phải tượng trưng cho sự
mong manh giữa giấc ngủ và cái chết. Thiếu nữ trong tranh với vẻ đẹp vừa nhục dục
vừa trong sáng khiến người xem nhớ đến những tiên nữ nanh-phơ trong thần thoại
Hy Lạp ngày xưa.
9. Portrait of Adele Bloch-Bauer I (Chân dung nàng
Adele Bloch-Bauer I)
Tác giả: Gustav Klimt (Áo)
Năm hoàn thành: 1907
Gustav
Klimt là một họa sĩ thiên tài người Áo, nổi tiếng với những đề tài về phụ nữ và
tình yêu. Cho tới nay, Portrait of Adele Bloch-Bauer I là một trong 5 bức tranh
được trả giá cao nhất trong lịch sử. Năm 2006, bức tranh được bán với giá kỷ lục
135 triệu USD, trở thành bức tranh đắt giá nhất lúc bấy giờ.
Adele
Bloch-Bauer là vợ của một nhà tư bản kếch xù, người thường mạnh dạn ủng hộ và
giúp đỡ tiền bạc cho Gustav Klimt. Bà là tình nhân bí mật của Klimt và cũng là
người phụ nữ duy nhất được họa sĩ hai lần vẽ chân dung. Bức chân dung thứ hai của
bà, Portrait of Adele Bloch-Bauer II, từng được trả giá 88 triệu USD, cũng là một
trong những bức tranh đắt giá nhất thế giới.
Portrait of
Adele Bloch-Bauer I tràn ngập một màu vàng vương giả, người phụ nữ trong tranh
trông thoải mái và đường bệ như một nữ hoàng. Bức tranh còn được mệnh danh là
“Mona Lisa của nước Áo” hoặc “Phu nhân vàng”.
10. Dora Maar with Cat (Dora Maar với Mèo)
Tác giả: Pablo Picasso (Tây Ban Nha)
Năm hoàn thành: 1941
Picasso là
họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, một trong những cái tên sáng chói nhất
trong giới hội họa thế kỷ 20. Dora Maar with Cat được giới phê bình cùng công
chúng đánh giá cao và là một trong những bức tranh đắt nhất thế giới với giá
hơn 95 triệu USD.
Dora Maar
là người tình lâu năm của họa sĩ và cũng là một nhiếp ảnh, họa sĩ có tiếng.
Trong tranh, bà ngồi trên một cái ghế trông như ngai vàng với một cái mũ trông
như vương miện trên đầu. Một con mèo nhỏ xuất hiện bên vai phải, trông vừa có sự
hăm dọa, vừa có vẻ hài hước. Những móng tay của Dora Maar cũng được vẽ rất dài
và sắc nhọn, hàm ý cô cũng là một con mèo nhỏ ranh mãnh. Bức tranh cũng rất nổi
tiếng về sự lựa chọn màu sắc, phối màu phức tạp.
(Anh Trâm - http://giaitri.vnexpress.net)
đẹp quá bác.em copy nhé
Trả lờiXóaBạn cứ tự nhiên ah :D cảm ơn bạn đã ghé thăm và cho lời khen nhé :)
Xóa